Một hướng đi có thể đẩy nhanh xử lý nợ xấu được giới chuyên môn đề cập tới đó là sớm vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành tiết lộ thông tin khá bất ngờ, đến cuối 2020 tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ còn 0,6%/tổng dư nợ – mức thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này. Năm 2020 cũng là năm quỹ dự phòng rủi ro của ngân hàng lên mức kỷ lục: 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng gần 380%, tức là 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng dự phòng gần 380 đồng. Vietcombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao nhất trong hệ thống. Với “bộ đệm” dày dặn như này, khả năng chống chịu của ngân hàng tốt hơn nhiều trước những cú sốc xảy ra trong tương lai.
Ngoài mạnh tay trích lập dự phòng, ngân hàng đã chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng bán lẻ nhằm tăng hiệu quả kinh doanh do lãi suất cho bán lẻ cao hơn bán buôn mà rủi ro lại thấp hơn vì có tài sản thế chấp. Mặt khác, chính sách quản trị rủi ro tín dụng của Vietcombank khá thận trọng, giúp ngân hàng này giảm áp lực nợ xấu mới phát sinh. “Do đó, dù việc giãn nợ theo thông tư 01 phần nào có ảnh hưởng đến tỷ lệ nợ xấu tại ngân hàng, nhưng tác động đó không lớn. Với tình hình như hiện tại, khi thông tư hết hiệu lực, cơ bản các DN sẽ có dòng tiền trả nợ đúng hạn. Vì vậy, sang năm 2021, Vietcombank nhất quán là nợ xấu vẫn kiểm soát mức 1%”, ông Nghiêm Xuân Thành khẳng định.
VietinBank cũng gây bất ngờ không kém khi Chủ tịch HĐQT TS. Lê Đức Thọ chia sẻ, tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 1% – thấp hơn cả cuối năm 2019. Trong năm 2020, VietinBank cũng đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng cũng được cải thiện, tăng lên 130%. Lãnh đạo VietinBank cho biết, ngân hàng tiếp tục đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2% trong năm 2021.
Ở khối các NHTMCP, tình hình nợ xấu cũng có những tín hiệu khả quan. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết, nợ xấu tăng cao nhất trong giai đoạn tháng 5,6,7,8; nhưng trong các tháng cuối năm nợ xấu đã giảm mạnh nhờ khách hàng thuộc diện nợ nhóm 2 lẫn nợ xấu trả nợ khá tốt. Đặc biệt, nhóm khách hàng được cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 hồi phục hoạt động kinh doanh trả nợ tốt. Hiện tại nợ cơ cấu tại ngân hàng chỉ còn khoảng hơn nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm này, nợ xấu ngân hàng còn thấp hơn so với đầu năm.
Công ty Chứng khoán SSI cũng có góc nhìn lạc quan hơn về nợ xấu. Theo dự báo của SSI Research, nợ xấu nội bảng năm 2021 sẽ không đổi so với năm 2020. Tổng nợ xấu và trái phiếu VAMC các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của SSI sẽ giảm còn 1,98% vào năm 2021 từ mức đỉnh 4,69% vào năm 2015. Tỷ lệ này có thể cao hơn tại nhóm các ngân hàng nhỏ hơn trong hệ thống. Cơ sở nhận định trên của cơ quan này là hệ thống ngân hàng đang ở vị thế tốt hơn so với chu kỳ tín dụng trước đây, khi hầu hết các ngân hàng đã giải quyết hết hoặc gần hết tài sản có vấn đề.
Song SSI cũng lưu ý rằng một số rủi ro tín dụng vẫn có thể bị trì hoãn trong ghi nhận do các biện pháp hỗ trợ từ Thông tư 01. Nợ xấu còn tiềm ẩn từ khoản nợ được cơ cấu lại theo Thông tư 01 cũng là vấn đề mà giới chuyên môn khuyến nghị các ngân hàng đặc biệt lưu tâm trong thời gian tới. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, các chuyên gia kiến nghị, nên cho phép các TCTD thực hiện thông tư kéo dài ít nhất đến hết tháng 6/2021 hoặc kéo dài đến đầu năm sau.
Không phủ nhận kinh tế phục hồi, DN hoạt động tốt khả năng trả nợ ngân hàng cao hơn giảm rủi ro về nợ xấu. Nhưng rõ ràng số lượng nợ cơ cấu lại vẫn tương đối cao. Chưa kể tình hình giải quyết nợ xấu của các ngân hàng chưa đồng đều. Nhiều ngân hàng xử lý rất tốt, nhưng cũng có một số ngân hàng vẫn đang vật lộn với nợ xấu. Chính vì vậy, tại Chỉ thị số 01 của NHNN mới ban hành, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD tích cực triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Tuy nhiên hiện việc thanh lý tài sản đảm bảo trong XLNX không phải món nào cũng bán dễ dàng còn tùy thuộc nhiều yếu tố về giá, chất lượng khoản tài sản… Nhiều khoản nợ xấu được rao bán hàng chục lần, với mức giá giảm hàng trăm tỷ đồng so với giá khởi điểm, mà vẫn không bán được. Vì vậy, giới chuyên môn khuyến nghị các ngân hàng nên đa dạng hóa các giải pháp XLNX.
Nhìn từ trường hợp của Vietcombank, để hạn chế nợ xấu mới phát sinh, các ngân hàng đẩy mạnh dịch chuyển cơ cấu lợi nhuận sang dịch vụ và hoạt động kinh doanh khác thay vì tập trung nhiều vào mảng tín dụng. Song song với đó, các ngân hàng phải tăng hoạt động kiểm soát rủi ro, quản trị rủi ro đối với danh mục tín dụng đang có và sẽ có trong thời gian tới. Một hướng đi có thể đẩy nhanh XLNX được giới chuyên môn đề cập tới đó là sớm vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu. Tại Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, NHNN yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ giai đoạn 2021-2025.
Cùng với việc xây dựng Sàn mua bán nợ, lãnh đạo VAMC đề xuất các cơ quan nhà nước phải hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động. Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý cho việc chứng khoán hóa khoản nợ cũng là điều cần thiết mà Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần tính đến để tăng tính thanh khoản của các khoản nợ trên thị trường, đẩy nhanh tiến độ thu hồi xử lý nợ xấu.
Công Ty Bảo Vệ & Mua Bán Nợ Hùng Vương – Dịch Vụ Mua Bán Nợ – Bảo Vệ – Vệ Sĩ
Tên tiếng anh : HUNG VUONG DEBT BUYING AND SECURITY COMPANY LIMITED
Mã số doanh nghiệp: 0316688350
Địa chỉ trụ sở chính: 491/1 Trường Chinh, P. 14, Q. Tân Bình, TP.HCM
Điện thoại: 0867 12 6789 – 094 161 1234
Website: https://hungvuong.info/
Email: ceo@hungvuong.info
Nợ xấu tại VietinBank giảm mạnh xuống dưới 1% vào cuối năm 2020 |