Trong quá trình hoạt động kinh doanh, chắc chắn hầu hết các doanh nghiệp đều sẽ vay vốn đầu tư máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển hay vay vốn lưu động tại các tổ chức tài chính tín dụng. Thế nhưng, kinh doanh luôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro chứ không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió” cả, và hậu quả gây ra có thể doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng thiếu tài chính để trả cho những khoản nợ tới hạn phải thanh toán. Đôi lúc, một số doanh nghiệp khi đi vay thường nghĩ rằng những khoản nợ tới hạn đó từ từ thanh toán cũng được, miễn không “xù nợ” là được. Thật là nguy hiểm khi suy nghĩ như vậy! Vậy, chúng ta cùng phân tích để làm rõ nhé!
Theo như Quyết định số 493/2005 của Ngân hàng nhà nước thì việc phân loại nợ như sau:
– Nhóm 1 (Nợ đủ tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ trong hạn mà tổ chức tín dụng đánh giá là có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn;
– Nhóm 2 (Nợ cần chú ý) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 10 đến 90 ngày;
– Nhóm 3 (Nợ dưới tiêu chuẩn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày;
– Nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày;
– Nhóm 5 (Nợ có khả năng mất vốn) bao gồm: Các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày;
Theo phân loại nhóm nợ trên, mỗi khoản nợ sẽ được phân vào nhóm nợ dựa vào số ngày chậm thanh toán, nợ càng quá hạn nhiều thì khả năng xếp vào nhóm nợ xấu rất cao. Nhưng câu hỏi đặt ra cho nhiều người là việc bị phân vào những nhóm nợ xấu thì tôi có bị bất lợi gì không? Xin trả lời với các bạn rằng sẽ gây nhiều bất lợi cho doanh nghiệp, nên tìm mọi cách để tránh. Vậy những bất lơi đó là gì, chúng ta có thể lấy ví dụ về một trường hợp vay vốn kinh doanh nhưng nợ quá hạn:
Đầu tiên là bị phạt lãi suất chậm thanh toán cho những ngày chậm thanh toán, nghĩa là nếu lịch thanh toán hàng tháng là vào ngày 10 nhưng do một số lý do chủ quan và khách quan nào đó, ngày 20 doanh nghiệp mới thanh toán cho tổ chức tín dụng thì doanh nghiệp sẽ phải trả lãi suất chậm thanh toán cho 10 ngày trễ hạn đó (lãi suất phạt sẽ tùy chính sách của mỗi công ty).
Thứ hai là phân loại nhóm nợ tương ứng với số ngày trễ thanh toán. Ví dụ như doanh nghiệp kinh doanh có vấn đề (có thể do khách hàng chưa trả tiền hàng) nên không có đủ tiền thanh toán cho tổ chức tín dụng mà phải một tháng sau mới thanh toán được, vậy thì ngoài việc bị phạt lãi suất trả chậm cho một tháng chậm thanh toán đó, doanh nghiệp sẽ bị tổ chức tín dụng đưa vào nhóm nợ 2 (như phân loại ở trên). Hậu quả cho thấy rằng sau này khi đi vay, nhân viên thẩm định sẽ tra cứu lịch sử tín dụng của doanh nghiệp trên hệ thống, và nếu bị nợ nhóm 2 thì doanh nghiệp sẽ khó được chấp thuận khoản vay hơn, hoặc nếu có vay thì tỷ lệ tài trợ sẽ không cao hay sẽ phải chịu một mức lãi suất cao hơn bình thường.
Thứ ba là đánh mất uy tín trên thị trường tín dụng, điều này đặc biệt nguy hiểm cho doanh nghiệp. Hiện nay, hệ thống lịch sử tín dụng của doanh nghiệp và cá nhân được lưu lại trên hệ thống quốc gia, và kho dữ liệu này phục vụ cho bất kỳ tổ chức tín dụng nào. Nếu doanh nghiệp chậm trả cho bất kỳ tổ chức tín dụng nào thì ngoài việc bị chính tổ chức đó không cho vay nữa mà còn có khả năng bị những tổ chức tín dụng khác từ chối khoản vay. Ví dụ: Nếu doanh nghiệp chậm trả thanh toán 90 ngày cho 1 công ty cho thuê tài chính thì tôi dám chắc với bạn rằng không một ngân hàng hay công ty tài chính nào cho bạn vay tiền cả. Điều này gây ra những hậu quả trực tiếp nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Do đó, chỉ cần một chút sơ suất trong việc hiểu biết về cách thức thanh toán cho các tổ chức tín dụng khi đi vay vốn mà doanh nghiệp có thể đối mặt với những hậu quả to lớn. Chúng tôi khuyên doanh nghiệp cần thận trọng hơn khi tìm đến kênh vay vốn, nên có kế hoạch thanh toán chi tiết cho từng khoản vay để tránh bị rơi vào tình trạng chậm thanh toán hay nợ quá hạn!