Thị trường mua bán nợ của Việt Nam quy mô còn nhỏ và cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tính minh bạch.
Ông Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho biết, quy mô thị trường trái phiếu tại Việt Nam mới chỉ ở mức 37% GDP và cần phát triển hơn nữa. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, sự phát triển này cần lành mạnh và minh bạch hơn hiện tại.
Vị này cho biết, tổng phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm đến nay là hơn 160.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là của BĐS và ngân hàng, song tính minh bạch còn thấp.
Lãi suất trái phiếu cũng khá cao, từ 14,5% đến 17%, 20%/năm. Ông Lực cho rằng cần thông cảm với doanh nghiệp, có thể họ cần vốn ngay lập tức và không thể đi vay trung dài hạn từ ngân hàng. Song ở góc độ của cơ quan quản lý thì cũng cần cảnh báo để không phá vỡ mặt bằng lãi suất và hạn chế đầu cơ.
Trong khi đó, ông Đào Hoàng Tuấn, Viện trưởng Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Chính sách và Phát triển ví thị trường trái phiếu giống như một cái lốp dự phòng. Khi hệ thống ngân hàng có vấn đề thì người ta mới thấy tầm quan trọng của lốp dự phòng này.
Với hệ thống ngân hàng, thông thường sẽ có 3-4 ngân hàng chiếm đến 60% tín dụng toàn kinh tế, do đó, quan điểm trên thị trường bị thu hẹp. Trong khi đó, trên thị trường trái phiếu sẽ cởi mở hơn do có nhiều người tham gia nhỏ lẻ.
Theo ông Tuấn, năm 1997, các nước châu Á không có “lốp dự phòng” nói trên nên sau khủng hoảng tăng trưởng rất thấp. Nhưng các quốc gia như Malaysia, Indonesia đã hồi phục tương đối nhanh nhờ có thị trường trái phiếu tương đối phát triển hơn.
Các chuyên gia nhận định rằng, mặc dù đã có nhiều tiến bộ song thị trường trái phiếu của Việt Nam còn thua kém các quốc gia xung quanh.
Theo ông Lực, quy mô thị trường trái phiếu Hàn Quốc thậm chí còn lớn hơn cả ngân hàng. Sản phẩm hàng hóa trên thị trường mua bán nợ cũng đa dạng từ nợ truyền thống đến chứng khoán hóa nợ thường, nợ xấu; nợ xấu của công ty tài chính; nợ xấu của các ngân hàng.
Tại Việt Nam, thị trường mua bán nợ đã có, nhưng chủ yếu là mua bán giữa các TCTD với nhau, với DATC, với VAMC và với các AMC của ngân hàng. “Rõ ràng chỉ có mấy ông mua đi bán lại như thế sẽ có vấn đề và phải mở rộng ra”, ông Lực nói.
Và quan trọng hơn hết là hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc phát triển thị trường này. Ông Lực cũng cho rằng việc cấm nghiệp vụ đòi nợ thuê là không nên vì đó là nhu cầu thị trường, không thể không quản lý được thì cấm luôn. Việt Nam có một số văn bản pháp luật như Nghị quyết 42, Nghị định 69 liên quanh đến thị trường mua bán nợ, song còn chưa đầy đủ.
Chẳng hạn, theo Nghị định 69 đối tượng giới hạn trong phạm vi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Trong khi, các chủ thể khác tiếp tục được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác. Ngoài ra, Nghị định này cũng chưa đề cập đến điều kiện để được tham gia mua nợ xấu từ VAMC hoặc các công ty AMC của các TCTD.
Bổ sung thêm những vướng mắc của thị trường mua bán nợ hiện nay, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam có điểm hạn chế là quá vướng quan điểm định giá khoản nợ, chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ theo thị trường. Việt Nam hiện nay cũng không có doanh nghiệp làm xếp hạng tín nhiệm nào và hầu hết phải đi thuê nước ngoài.
Một đại diện của VAMC cho biết, hiện nay định giá về khoản nợ chủ yếu dựa trên giá trị tài sản đảm bảo, nhưng theo vị này thì còn phải định giá dựa trên hoạt động quản trị của doanh nghiệp thì mới đầy đủ. Song Việt Nam cũng chưa có văn bản hướng dẫn về việc định giá các khoản nợ.
Sở dĩ nhiều cuộc đấu giá khoản nợ xấu, đấu giá TSĐB của nợ xấu phải đấu giá 5-6 lần vẫn ế là do định giá quá cao. “Đã là nợ xấu thì không thể kỳ vọng thu được toàn bộ cả nợ gốc, cả nợ lãi được. Ở Hàn Quốc, thu được 20-30% nợ gốc thôi đã là tốt lắm rồi”, ông nói.